Hồng Lâu Mộng Chương 46: Người liều lĩnh khó thoát việc liều lĩnh
Chương 46: Người liều lĩnh khó thoát việc liều lĩnh
Người liều lĩnh khó thoát việc liều lĩnh
Gái Uyên Ương thề dứt bạn uyên ương
Phượng Thư thấy Hình phu nhân gọi, không biết là việc gì, liền mặc áo lên xe đi sang. Hình phu nhân đuổi những người trong nhà ra, rồi khẽ bảo Phượng Thư:
- Gọi con đến đây, vì có một việc khó nghĩ quá. Cha con bảo ta điều này, ta chưa biết nghĩ sao, hãy bàn với con trước. Cha con trông thấy con Uyên Ương ở đằng nhà cụ, muốn lấy nó làm nàng hầu bảo ta đến xin cụ. Ta nghĩ cũng là một việc thường, nhưng chỉ sợ người không chọ Con có cách gì giúp được việc này không?
Phượng Thư cười nói:
- Cứ ý con thì không nên đụng vào cái đinh ấy. Cụ mà dứt con Uyên Ương ra thì sẽ ăn không ngon ngủ không yên đâu. Vả chăng ngày thường lúc vui chuyện, người vẫn nói: cha con bây giờ đã có tuổi rồi, thế mà nàng hầu ở trong nhà cứ kè kè bên này một đứa bên kia một đứa. Điều thứ nhất là làm nhỡ nhàng con gái nhà người ta, điều thứ hai là không biết giữ gìn thân thể, việc quan làm cũng chẳng ra gì, cả ngày chỉ chè chén với bọn hầu trẻ! Mẹ nghe đấy, bà có ưa gì cha con đâu? Bây giờ muốn tránh đi chả được, lại còn định cầm gậy rơm thọc vào mũi hùm hay sao? Xin mẹ đừng giận, con không dám nói việc ấy đâu. Rõ ràng nói cũng chẳng ăn thua gì, mà lại gây thêm những điều không haỵ Cha con bây giờ đã già rồi, việc làm cũng có khi nhầm lẫn, mẹ nên khuyên ngăn mới phải. Nếu lúc còn trẻ mà làm những việc ấy thì cũng không sao. Bây giờ anh em con cháu hàng đàn rồi, lại còn gây chuyện như thế, chẳng khó coi với người ta lắm hay sao?
Hình phu nhân cười nhạt nói:
- Nhà quan năm thiếp bảy thê cũng là thường, riêng nhà ta lại không được à? Mẹ có ngăn cha con cũng chẳng nghe đâu. Con Uyên Ương dù là người hầu thân yêu của cụ, nhưng một ông con cả đầu râu đốm bạc; lại làm quan, muốn lấy nó làm nàng hầu, chắc nó cũng chả từ chối. Ta gọi chị đến đây, chẳng qua để bàn thôi, thế mà chị đã nói ra hàng tràng không nên. Lẽ nào ta lại bảo chị đỉ Tất nhiên ta phải đi lấy. Chị lại còn bảo ta không biết can ngăn. Chị không biết tính bố chồng chị à! Can không được lại đâm ra cãi nhau với ta thôi.
Phượng Thư thấy Hình phu nhân tính vốn khờ dại nhút nhát, chỉ tìm cách chiều chuộng Giả Xá để được yên thân, và tham vớ được nhiều tiền là thích, còn việc lớn nhỏ trong nhà đều mặc Giả Xá sắp đặt. Những khoản chi thu nào vào tay bà ta, thì tìm cách bớt xén thậm tệ. Bà ta thường lấy cớ Giả Xá hay hoang phí, ta phải tằn tiện, mới có thể bù vào. Trong bọn con gái, người hầu, không tin ai và cũng chẳng nghe ai. Phượng Thư biết bà ta lại giở tính, dù can ngăn cũng chẳng được nào, liền cười nói:
- Mẹ nói rất phải. Con hãy còn dại, chưa biết đắn đọ Con nghĩ rằng đã xin trước cha mẹ, thì không những một con a hoàn, dù người ngọc đi nữa cụ chả cho cha con còn cho ai? Những lời nói vắng mặt, tin làm sao được? Con thực là ngu ngốc! Ngay như cha con, khi có điều gì không phải, cha mẹ giận, muốn lôi ngay đến đánh chết, nhưng khi thấy mặt là xong hết, rồi lại lấy những vật quý đem ra chọ Cứ ý con, hôm nay cụ đang vui, mẹ đến xin ngay đi. Con hãy đến trước chuyện trò cho cụ vui, khi mẹ đến con sẽ kiếm cách đem tất cả người hầu trong nhà lảng ra một chỗ. Khi ấy mẹ tha hồ nói với người, nếu người cho càng hay, không cũng chẳng sao, chả ai biết cả.
Hình phu nhân thấy Phượng Thư nói thế, liền vui vẻ bảo:
- Ta định không nên thưa với cụ vội, nếu nói trước, người không nghe sẽ hỏng mất việc. Ta nghĩ nên bảo khẽ Uyên Ương trước đã. Dù nó xấu hổ, ta sẽ nhỏ to bảo nó rạch ròi, nó không nói gì tức là yên chuyện. Bấy giờ ta mới trình cụ, dù người không bằng lòng cũng không thể ngăn cấm được ý muốn của nó. Người ta thường nói "người đã định không nên giữ lại, như vậy mới là ổn thỏa".
Phượng Thư cười nói:
- Mẹ nhiều mưu trí thực, thế là êm thấm vạn phần. Đừng nói là con Uyên Ương, dù ai đi nữa, cũng chẳng muốn trèo cao trông lên, để mong được mở mày mở mặt hay sao? Nó bỏ danh giá nửa bà chủ không làm, đâm đầu đi làm a hoàn, sau này lấy một thằng ranh con, thế là xong đời.
Hình phu nhân cười nói:
- Nói thế phải đấy. Không cứ con Uyên Ương, ngay cả đến những a hoàn lớn coi việc, ai mà chẳng thích được như thế? Giờ chị hãy sang trước đi, chớ để lộ chuyện đấy, ta ăn cơm xong sẽ sang ngay.
Phượng Thư nghĩ thầm: "Con Uyên Ương thực đáng ghét. Nhưng chắc đâu nó bằng lòng? Nếu mình sang trước, nó bằng lòng ra thì không có chuyện gì, nếu không bằng lòng, mẹ ta là người đa nghi, lại ngờ ta nói lộ chuyện, để cho nó làm bộ. Bấy giờ mẹ ta thấy đúng như lời ta nói, đâm xấu hổ, đem ta ra giày vò cho hả giận, như thế không haỵ Chi bằng ta cùng đến với mẹ ta, dù nó bằng lòng hay không, chắc mẹ chẳng ngờ đến ta". Liền cười nói:
- Lúc nãy con vừa về đến nhà, bên nhà mợ con mang cho hai lồng gà gô, con đã bảo chúng nó quay rồi, định đến bữa cơm chiều đưa sang biếu mẹ. Khi mới đến cửa ngoài, thấy bọn hầu nhỏ kéo xe đi, nói: "Xe của mẹ bật mui, phải đem đi sửa". Chi bằng bây giờ mẹ ngồi xe của con cùng đến thì hơn.
Hình phu nhân nghe nói, liền gọi người đến lấy quần áo thay, Phượng Thư vội vàng hầu hạ một lúc, rồi hai mẹ con cùng ngồi xe đi, Phượng Thư lại nói:
- Mẹ đến đằng cụ, nếu con cùng đi, người hỏi đến làm gì sẽ không tiện; vậy mẹ đến trước, con về thay quần áo rồi sẽ sang sau.
Hình phu nhân nghe nói có lý, liền một mình đến chỗ Giả mẫu, chuyện phiếm một lúc rồi ra, nói vờ là sang nhà Vương phu nhân. Theo lối cửa sau tìm đến buồng Uyên Ương, thì thấy nó đang ngồi thêu. Thấy Hình phu nhân đến, Uyên Ương đứng dậy. Hình phu nhân cười hỏi:
- Cô làm gì thế?
Vừa hỏi vừa cầm lấy bức thêu ở tay Uyên Ương ra xem, rồi nói:
- Ta xem hoa của cô thêu nào.
Ngắm một lúc rồi nói: "Đẹp lắm". Liền bỏ bức thêu xuống, ngắm nghía suốt người Uyên Ương, thấy nó mặc áo lụa màu hoa sen rung rúc, đeo cái khoác vai bằng nhiễu xanh, mặc quần màu nước biển, thắt đáy lưng ong, mặt trái xoan, tóc đen láy, mũi dọc dừa, hai má có mấy nốt rỗ nhỏ.
Uyên Ương thấy Hình phu nhân nhìn mình, đâm ra ngượng, trong bụng lấy làm lạ, cười hỏi:
- Thưa bà, bây giờ giữa chừng giữa buổi, bà sang có việc gì?
Hình phu nhân đưa mắt, bọn người hầu lui ra ngoài. Hình phu nhân ngồi xuống, cầm lấy tay Uyên ương cười nói:
- Ta sang cốt để mừng cho cô đây.
Uyên Ương nghe nói, trong bụng đã đoán được vài ba phần, đỏ mặt cúi đầu, không nói câu gì. Hình phu nhân nói:
- Chắc cô cũng biết, ông nhà hiện giờ không có người hầu nào đáng tin cậy cả. Định bụng mua một người, nhưng lại sợ những người của bọn lái buôn đưa đến không được tử tế, nhỡ ra phải người có tật xấu gì, mua về được vài ba ngày lại đâm giở quẻ. Muốn tìm một người con gái ở ngay trong nhà, nhưng không có người nào khá cả: kẻ thì xấu người, kẻ thì xấu nết, được đằng nọ, hỏng đằng kia. Ta để ý đến nửa năm nay, chỉ có cô là hơn cả: dáng người đẹp, thạo công việc, tính nết ôn hòa, có thể tin cậy, thật là được cả người lẫn nết, ý ta muốn trình cụ lấy cô em về nhà. Cô không phải như người ở ngoài mới mua về, cứ về đến nhà là sẽ phong ngay làm dì Hai, vừa có thể diện, vừa được tôn quý. Tục ngữ nói: "người vàng lại đổi lấy vàng", ngờ đâu lại vừa mắt ông nhà như thế! Bây giờ cô về bên nhà, sẽ được thỏa lòng mong muốn cao quý xưa nay, lại bịt miệng được những kẻ vẫn không ưa cộ Cô theo tôi về trình cụ đi.
Nói xong định kéo tay Uyên Ương đi.
Uyên Ương đỏ bừng mặt lên, giật tay lại không đi. Hình phu nhân tưởng cô ta xấu hổ, liền nói:
- Việc gì mà cô phải xấu hổ? Cô không phải nói câu gì cả, chỉ theo tôi đi là được rồi.
Uyên Uơng chỉ cúi đầu không đi. Hình phu nhân thấy thế liền hỏi:
- Không lẽ cô còn không bằng lòng hay sao? Nếu quả có thế thì cô khờ dại quá. Không muốn làm bà chủ, lại muốn làm con hầu à! Vài ba năm nữa, cô đi lấy một thằng bé con, đầy tớ lại hoàn đầy tớ. Nay về với chúng tôi, chắc cô đã biết tính tôi, hiền lành, hay dung kẻ dưới, ông nhà lại đối đãi tử tế với cộ Độ chừng một năm, năm bảy tháng sinh được đứa con, thế là cô bằng vai với tôi rồi. Cô muốn sai bảo người trong nhà ai chẳng phải nghẻ Danh giá bà chủ mà không chịu làm, sau này lỡ dịp có hối cũng muộn!
Uyên Ương vẫn cúi đầu, không chịu nói một câu. Hình phu nhân lại nói:
- Cô xưa nay là người nhanh nhẹn kia mà, sao bây giờ lại thẫn thờ ra thế? Có điều gì không bằng lòng cô cứ nói, tôi hứa sẽ làm cho cô được vừa ý".
Uyên Ương vẫn không nói gì. Hình phu nhân lại cười nói:
- Chắc cô còn bố mẹ Ở nhà, tự mình không nói ra, sợ xấu hổ, phải chờ bố mẹ cô hỏi mới nói ra chăng? Như thế cũng đúng lý. Vậy để tôi đi hỏi, rồi bảo bố mẹ cô đến. Có điều gì cô cứ nói với bố mẹ cô cũng được.
Nói xong liền đi đến nhà Phượng Thư.
Phượng Thư đã thay quần áo xong, nhân tiện trong nhà vắng người, liền đem việc này nói cho Bình Nhi biết. Bình Nhi lắc đầu cười nói:
- Cứ ý tôi việc này chưa chắc đã ổn. Những khi vắng người, chúng tôi thường gợi chuyện, nhưng xem ý chị ta chưa chắc đã chịu. Thôi hãy cứ nói xem sao.
Phượng Thư nói:
- Bà Cả tất phải đến đây bàn việc ấy, nó bằng lòng còn khá nếu không, chỉ thêm bẽ mặt với các chị thôi, nghĩ cũng khó coi đấy. Chị đi bảo họ quay gà gô, làm thêm mấy món ăn nữa, sắp sửa bữa cơm rồi chị đi ra đâu đó, lúc nào bà ấy về hãy vào.
Bình Nhi nghe nói, truyền bảo bọn bà già, rồi đủng đỉnh đi qua bên vườn.
Uyên Ương thấy Hình phu nhân đi rồi, chắc thế nào cũng đến bàn với Phượng Thư và sẽ có người đến hỏi mình, chi bằng tránh đi một chỗ cho xong. Uyên Ương liền tìm Hổ Phách bảo:
- Cụ có hỏi tôi, chị cứ bảo tôi khó ở, sáng nay không ăn cơm, đi vào trong vườn chơi một chốc sẽ về.
Hổ Phách nhận lời. Uyên Ương qua vườn chơi, không ngờ lại gặp Bình Nhị Bình Nhi thấy không có ai, liền cười nói:
- Bà dì mới đã đến đấy à?
Uyên Ương đỏ mặt nói:
- Không trách được chúng mày thông đồng với nhau định kế hại tao! Tao sẽ đến làm to chuyện với mụ chủ nhà mày xem!
Bình Nhi thấy Uyên Ương giận dỗi ra mặt, tự hối mình đã lỡ lời, liền kéo chị ta đến gốc cây phong, ngồi xuống hòn đá, kể rõ đầu đuôi câu chuyện Phượng Thư vừa nói. Uyên Ương đỏ mặt lên, cười nhạt, bảo Bình Nhi:
- Tôi nghĩ chị em chúng ta vẫn ăn ở tốt với nhau: như các chị Tập Nhân, Hổ Phách, Tố Vân, Tử Quyên, Thái Hà, Ngọc Xuyến, Xạ Nguyệt, Thúy Mặc, cùng chị Thúy Lũ theo hầu cô Sử, chị Khả Nhân và chị Kim Xuyến đã chết rồi, chị Phiến Tuyết đã đi rồi, kể cả chị với tôi nữa tất cả hơn mười người, từ khi còn bé, điều gì mà chẳng nói với nhau, việc gì mà chẳng bàn với nhau? Bây giờ đã lớn cả rồi, ai có thân người ấy lo,nhưng bụng tôi thì vẫn như trước: có điều gì, việc gì, tôi không giấu các chị. Câu này thì tôi nói, chị hãy để bụng, đừng nói cho mợ Hai biết: đừng nói ông ấy muốn tôi làm vợ lẽ, chứ dù bây giờ, bà ấy chết đi, ông ấy mối lái năm lần bảy lượt lấy tôi về làm vợ cả, tôi cũng chẳng nghe!
Bình Nhi muốn nói nữa, thấy đằng sau núi có tiếng cười ha hả nói:
- Thật cái con không biết thẹn! Nói không biết ngượng mồm!
Hai người nghe nói giật nảy mình, vội chạy ra sau núi tìm, thấy Tập Nhân đang cười rồi chạy đến hỏi:
- Có việc gì thế? Nói cho tôi nghe với.
Rồi ba người cùng ngồi trên hòn đá, Bình Nhi kể lại chuyện vừa rồi cho Tập Nhân nghe. Tập Nhân nói:
- Nhẽ ra chúng ta không nên nói: lão già này thực là đê tiện quá! Hễ thấy ai hơi dễ coi là lão không chịu buông tha.
Bình Nhi nói:
- Chị đã không bằng lòng, tôi xin bảo cách cho chị.
Uyên Ương hỏi: "cách gì?"
- Chị cứ nói với cụ rằng, đã cho cậu Liễn rồi, như thế ông Cả sẽ không thể đòi nữa.
Uyên Ương nhổ toẹt một cái nói:
- Mày còn nhắc đến cái của ấy làm gì? Hôm trước chủ mày chả đã nói bậy đó sao? Không ngờ bây giờ tao mới rõ.
Tập Nhân cười nói:
- Chị không bằng lòng hai người kia, theo ý tôi, chị nên nói với cụ, nhờ người bảo rằng đã cho cậu Bảo rồi, như thế ông Cả cũng sẽ dứt lòng đòi hỏi.
Uyên Ương vừa tức vừa thẹn, vừa nổi nóng, liền mắng:
- Hai con khốn nạn này! Chúng mày không được chết tử tế đâu! Người ta có việc khó xử, tưởng chúng mày là người đứng đắn, nên bàn cách giúp, chúng mày chẳng nghĩ hộ được gì, lại thay nhau đem tao ra làm trò cười Chúng mày tưởng rằng rồi đây sẽ tốt cả đấy! Sẽ làm dì Hai cả đấy? Cứ ý tao, việc ở trên đời này chưa chắc đã được như ý cả đâu. Chúng mày hãy xếp lại, vừa vừa chứ, đừng có hí hửng vội.
Hai người thấy Uyên Ương nóng lên, liền cười nói:
- Chị đừng nên ngờ vực, chúng ta từ bé đến giờ đã thân mật với nhau như chị em ruột, chẳng qua lúc vắng người, chúng tôi nói đùa để cười cho vui đấy thôi. Chị định thế nào cứ nói cho chúng tôi biết, không ngại gì đâu.
- Chả có ý định gì. Tôi cứ không đi là xong.
Bình Nhi lắc đầu nói:
- Chị không đi, chưa chắc người ta đã để cho chị yên. Tính ông Cả thế nào, chị đã biết rồi đấy. Tuy chị là người hầu bên cụ, bây giờ lão chẳng dám làm gì chị đâu, nhưng không dễ chị theo hầu cụ suốt đời? Cũng có lúc phải đi chứ. Bấy giờ mà lọt vào tay lão thì không ra gì đâu!
Uyên Ương cười nhạt:
- Cụ còn sống ngày nào tôi nhất định không rời chỗ này! Nếu người quy tiên, thế nào lão ta cũng phải để tang ba năm, không có lẽ mẹ vừa chết lại đi lấy vợ lẽ! Chờ hết ba năm, xem cơ mầu thế nào bấy giờ sẽ liệu. Nếu khi nguy cấp khó xử, tôi đành cắt tóc đi tu! Không thì chết là cùng! Suốt đời chẳng lấy chồng đã làm sao? Lại càng khỏi vướng.
Bình Nhi và Tập Nhân cười nói:
- Con bé này thật không biết thẹn, thuận miệng cứ lau láu nói ra hết cả.
- Đã đến nông nỗi này thẹn mà làm gì? Các chị không tin, sau này sẽ biết! Bà ấy nói sẽ đi tìm bố mẹ tôi. Cứ cho đến tận Nam Kinh mà tìm!
Bình Nhi nói:
- Ông bà nhà chị đều trông nhà cho chủ ở Nam Kinh không đến đây bao giờ, lâu rồi cũng sẽ tìm được. Nhưng hiện giờ có anh và chị dâu chị Ở đây. Tiếc rằng chị là người sinh ra ở nhà này, chứ không như hai chúng tôi chỉ có một mình đến đây thôi.
Uyên Ương nói:
- Sinh ra ở nhà này thì đã làm sao? "Trâu không muốn uống nước cố đè sừng" liệu có được chăng? Tôi không bằng lòng chẳng lẽ giết cả bố mẹ tôi?
Đương nói thì chị dâu Uyên Ương đến. Tập Nhân nói:
- Bây giờ họ không tìm đến bố mẹ chị, chắc họ đã nói chuyện với chị dâu chị.
Uyên Ương nói:
- Con đĩ ấy chỉ chuyên làm nghề "bán rau chào khách", nghe thấy vậy làm gì mà nó chẳng chiều chuộng đi ngay.
Vừa lúc ấy người chị dâu đến nơi, cười nói:
- Cô ở đây à? Tôi đi tìm mãi không thấy. Cô lại đằng này tôi nói câu chuyện.
Bình Nhi, Tập Nhân đều mời ngồi. Người chị dâu nói:
- Các cô cứ ngồi, tôi cùng cô em nói câu chuyện riêng.
Tập Nhân và Bình Nhi giả cách không biết, đều cười nói:
- Chuyện gì mà cần thiế? Chúng tôi thử đoán xem, chờ đoán xong rồi hãy đi.
Uyên Ương nói:
- Chuyện gì đấy? Chị cứ nói đi.
Người chị dâu cười nói:
- Cô cứ lại đây tôi sẽ nói, thế nào cũng có chuyện hay.
- Có phải là việc bà ấy đã nói với chị không?
- Cô đã biết lại còn hỏi vặn gì tôi! Mau mau lại đây! Tôi nói rạch ròi cho mà nghe. Việc vui mừng to như trời ấy!
Uyên Ương nghe nói, đứng ngay dậy, nhìn thẳng vào mặt chị dâu nhổ toẹt một cái, mắng:
- Thôi hãy ngậm ngay cái mồm l... ấy lại, cút khỏi chỗ này cho rảnh. Chuyện gì hay? Chuyện con khỉ ăn gừng! Chuyện gì mừng? Chuyện ông huyện về quê! 1 Thảo nào ngày thường các người cứ thèm thuồng bọn a hoàn nhà khác được làm bà trẻ, để cả nhà cậy thế làm càn, cả nhà đều được làm bà trẻ! Thấy thế là các người nóng mắt lên, chực đẩy tôi vào lò lửa. Nếu tôi đắc thế, các người ở ngoài tha hồ ngang tàng làm bậy, tự phong cho mình là ông cậu. Nếu tôi không ra gì, gặp lúc thất thế, các người sẽ rụt cổ lại, sống chết bỏ mặc tôi.
Uyên Ương vừa nói vừa khóc. Bình Nhi, Tập Nhân tìm cách khuyên giải. Người chị dâu ngượng mặt quá, liền nói:
- Bằng lòng hay không, cô cũng nói tử tế, việc gì mà phải xỉa xói nhau. Tục ngữ có câu: "Trước mặt người lùn chớ nói chuyện lùn". Cô mắng tôi, tôi không dám nói lại; nhưng hai cô này có trêu ghẹo gì cô, thế mà cô cũng nhai nhải như bà trẻ thế này, bà trẻ thế nọ, như thế có ngượng mặt cho các cô không?
Bình Nhi, Tập Nhân vội nói:
- Chị đừng nói những câu như thế. Chị ấy có nói gì đến chúng tôi đâu, chị đừng có gắp chúng tôi vào. Chị đã thấy các ông bà nào cất nhắc chúng tôi lên làm bà trẻ chưa. Vả chăng hai người chúng tôi chẳng có anh em, bố, mẹ nào ở đây để nhờ thế lực chúng tôi mà làm bậy! Chị ấy muốn mắng người nào tha hồ mà mắng, chúng tôi không việc gì phải chạnh lòng.
Uyên Ương nói:
- Nó thấy tôi mắng, đâm ra xấu hổ, không biết làm thế nào cho khỏi bẽ mặt, mới kiếm lời xúc xiểm hai chị đấy thôi. May mà hai chị là người hiểu đời. Vì tôi quá nóng, nói không biết giữ lời, nó mới nhân đó bày chuyện.
Chị dâu cụt hứng, hầm hầm bỏ đi.
Uyên Ương tức quá vẫn còn mắng theo. Bình Nhi, Tập Nhân can ngăn một lúc mới yên. Bình Nhi hỏi Tập Nhân:
- Chị núp ở đây làm gì thế? Chúng tôi không trông thấy chị.
Tập Nhân nói:
- Tôi nhân sang buồng cô Tư thăm cậu Bảo. Không ngờ chậm một chút, nghe nói cậu ấy đã về rồi. Tôi đang ngờ, sao lại không gặp? Tôi định sang bên cô Lâm tìm, lại gặp người nhà cô ấy bảo là cậu ấy không sang đấy. Tôi ngờ cậu ấy đi ra ngoài vườn. Ngay lúc đó gặp chị Ở đằng kia lại. Tôi tránh ra một bên, chị không trông thấy. Sau chị Uyên Ương đến, tôi liền ở trong gốc cây chạy về phía sau núi giả, thấy hai chị đương ngồi nói chuyện. Thế mà bốn con mắt không trông thấy tôi.
Nói chưa dứt lời, chợt đằng sau có người nói:
- Bốn con mắt không trông thấy chị à? Giờ cả sáu con mắt cũng không trông thấy tôi đấy!
Ba người giật mình quay lại nhìn, té ra Bảo Ngọc.
Tập Nhân cười nói:
- Cậu ở đâu đến đây? Làm tôi tìm mãi.
- Tôi ở đằng cô Tư về, thấy chị đi đến, chắc là chị tìm tôi, nên tôi nép vào một chỗ để lừa chị. Trông thấy chị ngơ ngác đi qua, vào nhà rồi lại ra, gặp ai cũng hỏi, tôi buồn cười quá. Có ý chờ chị đến gần sẽ dọa lên một tiếng cho giật mình. Sau lại thấy chị cũng lẩn lẩn lút lút, biết là chị lại định dọa ai. Tôi ló đầu ra nhìn thấy hai chị kia, tôi liền đi vòng đến sau lưng chị. Chị đi rồi, tôi nấp vào chỗ của chị.
Bình Nhi cười nói:
- Chúng ta ra phía sau tìm xem chưa biết chừng lại vớ được một đôi nữa đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Không còn ai nữa đâu.
Uyên Ương biết là Bảo Ngọc nghe hết chuyện này rồi, nên chỉ gục đầu xuống hòn đá giả cách ngủ. Bảo Ngọc lay dậy cười bảo:
- Đá này lạnh lắm, chúng ta về nhà ngủ chẳng hơn ư?
Nói xong, kéo Uyên Ương dậy, lại mời cả Bình Nhi về nhà uống nước, và cùng Tập Nhân khuyên Uyên Ương đi, Uyên Ương mới chịu đứng dậy. Bốn người cùng đến viện Di Hồng. Những câu chuyện vừa rồi, Bảo Ngọc đã nghe thấy cả, nên trong bụng cũng khó chịu thay cho Uyên Ương, cứ lặng lẽ nằm ngủ trên giường, mặc cho ba người cười nói ở nhà ngoài.
Hình phu nhân hỏi Phượng Thư về bố mẹ Uyên Ương, Phượng Thư nói:
- Bố nó tên là Kim Thái, hai vợ chồng đều trông nom nhà cửa ở Nam Kinh không hay về đây. Anh nó là Văn Tường, hiện giữ việc mua bán cho cụ. Chị dâu nó cũng trông coi việc giặt rửa ở nhà cụ.
Hình phu nhân sai người gọi vợ Kim Văn Tường đến, nói rạch ròi cho nghe. Chị ta lấy làm thích lắm, hăm hở đi tìm Uyên Ương, chắc mẩm nói một câu là xong ngay; ai ngờ bị Uyên Ương mắng cho một trận, lại bị Tập Nhân, Bình Nhi nói cho mấy câu, xấu hổ quá, về nói với Hình phu nhân:
- Chẳng ăn thua gì, tôi lại bị nó mắng cho một trận.
Vì có Phượng Thư ở đấy, chị ta không dám nói đến Bình Nhi chỉ nói:
- Tập Nhân lại hùn thêm vào, nói tôi nhiều câu chẳng ra gì, không thể kể với bà được. Bà bàn với ông đi mua đám khác vậy thôi. Chắc con ranh ấy chẳng có số tốt, mà nhà chúng tôi cũng chẳng làm gì có phúc lớn như thế.
Hình phu nhân nói:
- Việc gì đến con Tập Nhân? Sao nó lại biết được?
Rồi lại hỏi:
- Còn có ai ở đấy nữa không?
Vợ Kim Văn Tường nói:
- Còn có cô Bình nữa.
Phương Thư vội nói:
- Sao chị không lôi cổ nó về cho tôi? Tôi vừa mới đi khỏi, nó đã chạy biến rồi, về đến nhà chẳng thấy bóng vía đứa nào! Chắc nó cũng hùn thêm mấy câu chứ gì?
- Cô Bình không đứng gần đấy, tôi nhìn xa hình như cô ta, nhưng không chắc có đúng không, tôi đoán chừng đấy thôi.
Phượng Thư liền sai người:
- Mau đi gọi Bình Nhi, nói ta đã về rồi, bà cũng ở đây, bảo nó phải về ngay.
Phong Nhi liền thưa:
- Cô Lâm cho người mang giấy đến mời ba, bốn lần chị ấy mới đi. Lúc mợ vừa về đến cửa, tôi đi gọi chị ấy ngay. Nhưng cô Lâm nói: "về thưa với mợ, ta nhờ chị ấy một việc".
Phượng Thư nghe vậy mới thôi, lại cố ý nói:
- Có việc gì mà ngày nào cũng nhờ nó thế?
Hình phu nhân không làm thế nào được, ăn xong cơm chiều rồi về nói với Giả Xá, Giả Xá nghĩ một lúc, liền gọi Giả Liễn đến bảo:
- Nhà cửa ở Nam Kinh còn có nhiều người khác trông nom, chứ không phải một mình Kim Thái, phải gọi ngay nó về đây.
Giả Liễn thưa:
- Lần trước ở Nam Kinh đưa tin về nói Kim Thái bị chứng đờm, thường mê man bất tỉnh, đã cho cả tiền mua sẵn áo quan rồi. Không biết bây giờ nó còn sống hay chết. Nếu nó sống cũng chẳng biết việc gì, gọi về cũng vô ích. Còn vợ nó thì lại điếc.
Giả Xá nghe xong quát mắng:
- Đồ ngu biết gì? Mày không cút ngay đi à?
Giả Liễn sợ quá lùi ra. Một lúc lại cho gọi Kim Văn Tường đến, Giả Liễn đành đứng chờ ngoài thư phòng, không dám về, cũng không dám gặp bố.
Một lúc, Kim Văn Tường đến. Bọn hầu nhỏ dẫn hắn vào cửa thứ hai, lâu lắm mới thấy hắn ra về. Giả Liễn không dám hỏi chuyện. Một lúc sau, thấy Giả Xá ngủ rồi mới dám về nhà. Đến tối, Phượng Thư kể lại chuyện, hắn mới hiểu rõ.
Uyên Ương suốt đêm không ngủ. Đến hôm sau, người anh cô ta đến xin Giả mẫu cho cô ta về nhà chơi, Giả mẫu bằng lòng. Uyên Ương không muốn về, nhưng sợ Giả mẫu ngờ, nên đành phải đi. Người anh đem những lời của Giả Xá nói cho cô ta biết, lại hứa hẹn nào là được thể diện, được làm dì Hai, trông nom việc nhà. Uyên Ương chỉ cắn răng không bằng lòng. Người anh không biết làm thế nào, đành phải về trình Giả Xá. Giả Xá tức giận nói:
- Ta bảo cho mà biết, mày về bảo vợ mày rằng: xưa nay "chị hằng yêu tuổi trẻ" chắc nó chê ta già, có lẽ nó chỉ yêu các cậu trẻ thôi! Chắc chắn là nó đã nhắm vào Bảo Ngọc, có lẽ cả thằng Liễn nữa. Nếu nó có bụng ấy thì bảo nó hãy mau mau xếp lại. Ta muốn lấy, nó không bằng lòng, sau còn ai dám lấy nó nữa? Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai nó tưởng cụ thương nó, sau này sẽ chính thức gả nó cho một người ở ngoài phủ này. Bảo nó nghĩ kỹ đi: dù nó lấy ai nữa, cũng khó thoát khỏi tay ta! Trừ phi nó chết đi, hay suốt đời không lấy chồng, ta mới chịu! Nếu không, bảo nó nên mau mau nghĩ lại, sẽ có nhiều điều hay đấy.
Giả Xá nói một câu, Kim Văn Tường "vâng" một câu. Giả Xá lại bảo:
- Không được nói dối ta, ngày mai ta lại bảo bà mày đến hỏi thẳng Uyên Ương. Mày nói nó không bằng lòng, sẽ không có lỗi; nếu ta hỏi nó bằng lòng thì mày liệu hồn đấy!
Kim Văn Tường vâng dạ luôn mồm. Về đến nhà, không kịp bảo vợ đi nói, hắn tự mình đến bảo thẳng Uyên Ương; Uyên Ương tức quá không trả lời được câu gì. Nghĩ một lúc, Uyên Ương nói:
- Dầu tôi bằng lòng, cũng phải mang tôi đến trình cụ đã.
Người anh và chị dâu đều cho Uyên Ương đã nghĩ lại, vui mừng khôn xiết. Người chị dâu liền dẫn Uyên Ương đến trình Giả mẫu.
Vừa gặp lúc Vương phu nhân, Tiết phu nhân và bọn chị em Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Thoa cùng mấy người đàn bà coi việc có thể diện đang nói chuyện vui ở đấy. Uyên Ương mừng lắm, kéo chị dâu vào quỳ trước mặt Giả mẫu, vừa khóc vừa kể lại những câu Hình phu nhân nói thế nào, chị dâu nói ở trong vườn thế nào, nay người anh lại nói như thế nào. "Vì cháu không bằng lòng, ông Cả bảo là cháu mê cậu Bảo Ngọc, nếu không thì cũng đợi lấy người ngoài, bảo cháu có chạy lên trời suốt đời cũng không thoát khỏi tay ông ấy. Thế nào ông ấy cũng báo thù! Lòng cháu đã lạnh tắt rồi! Cháu nói trước mặt mọi người ở đây, đừng nói là Bảo Ngọc, chứ dù "Bảo Kim", "bảo Ngân", "Bảo Thiên Vương", "Bảo Hoàng Đế" nào nữa, cháu cũng chẳng lấy, cứ ở vậy suốt đời là xong chuyện! Nếu cụ ép quá, cháu đành một nhát dao là xong đời, chứ không thể nào tuân lời được. Tốt phúc ra, cháu được chết trước cụ, nếu không may, cháu cũng đành nhất định hầu hạ đến khi cụ quy tiên, cháu sẽ không về với bố mẹ và anh em cháu đâu, hoặc tự tử, hoặc gọt đầu đi tụ Nếu bảo cháu không thực bụng, chỉ tạm thời tình cách chống đỡ, thì đã có giời đất, quỷ thần, mặt trời, mặt trăng chứng minh, sẽ bóp cháu sưng cổ nổ hầu ra mà chết!
Trước lúc Uyên Ương đến, trong tay áo đã giấu sẵn một cái kéo, nay vừa nói vừa đưa kéo lên cắt tóc. Bọn bà già, a hoàn trông thấy vội giữ lại, thì đã cắt mất một nửa nắm rồi. May tóc cô ta quá rậm, cắt vẫn không việc gì, mọi người vội vàng giúp cô ta búi lên.
Giả mẫu nghe nới, giận quá, người run cầm cập, rít giọng nói:
- Ta chỉ còn có một người trông cậy được, chúng nó lại định tìm cách cướp đi.
Nhân thấy Vương phu nhân đứng bên cạnh, liền bảo:
- Các người xưa nay đều lừa ta cả! Ngoài mặt ra vẻ hiếu thảo trong bụng lại ngấm ngầm chực hại tạ Có của gì tốt cũng đến lấy, có người nào tốt cũng đến đòi; còn có một con bé, thấy ta yêu nó, tự nhiên các người đâm tức, định xách nó đi, để rồi tha hồ mà làm hại ta.
Vương phu nhân đứng dậy, không dám nói lại một câu gì. Tiết phu nhân thấy Vương phu nhân cũng bị quở, nên không tiện khuyên giải; Lý Hoàn vừa nghe thấy những câu nói của Uyên Ương, đã dẫn chị em đi ra rồi. Thám Xuân là người biết nghĩ: biết Vương phu nhân bị mắng oan không dám nói lại; Tiết phu nhân là em ruột Vương phu nhân, không tiện cãi hộ cho chị; Bảo Thoa cũng không thể nói hộ cho dì; Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Ngọc lại càng không dám lên tiếng; chỉ còn nhờ có bọn cháu gái; nhưng Nghênh Xuân thì thực thà, Tích Xuân hãy còn bé. Vì vậy, chị ta đang đứng ngoài cửa sổ nghe ngóng, vội chạy ngay vào cười nói với Giả mẫu:
- Việc này có liên can gì đến mẹ cháu đâu? Bà nghĩ lại xem: ông anh Cả muốn lấy người trong nhà, thì em dâu biết làm sao được? Mà dù có biết cũng phải chịu thôi.
Thám Xuân chưa nói dứt lời, Giả mẫu cười nói:
- Thật ta già lẫn rồi! Bà dì đừng cười tôi nhé? Chị bà là người rất hiếu thuận, không như chị dâu cả của tôi, một tí gì cũng sợ chồng, trước mặt mẹ chồng chẳng qua cũng chỉ dựa dẫm cho xuôi chuyện thôi. Thật là tôi nói oan cho chị ấy.
Tiết phu nhân chỉ vâng dạ, rồi lại nói:
- Cụ hơi thiên vị, có lẽ cũng vì thương con dâu út hơn.
Giả mẫu nói:
- Tôi không thiên vị đâu!
Lại nói:
- Bảo Ngọc, bà mắng nhầm mẹ cháu, sao cháu không nhắc để mẹ cháu bị mắng oan?
Bảo Ngọc cười nói:
- Không có nhẽ cháu lại bênh mẹ cháu mà nói bác giai và bác gái à? Chung quy cũng có người không phải, nhưng nếu mẹ cháu không nhận thì còn đổ cho ai? Cháu nhận lỗi về cháu chắc bà cũng chẳng tin nào.
Giả mẫu cười nói:
- Thế cũng có nhẽ. Nay cháu quỳ xuống trước mặt mẹ cháu nói: Mẹ đừng bực nữa, bà đã có tuổi rồi, xin mẹ hãy nhìn Bảo Ngọc này thôi.
Bảo Ngọc chạy đến quỳ xuống định nói, Vương phu nhân vội cười kéo Bảo Ngọc dậy:
- Đứng dậy, không thể thế được, lễ nào mày lại thay bà đến xin lỗi ta à?
Bảo Ngọc nghe nói liền đứng dậy:
Giả mẫu cười nói:
- Cháu Phượng cũng chẳng nhắc gì bà!
Phượng Thư cười nói:
- Cháu chưa vạch những điều không phải của bà ra, bà đã lại quặc cả cháu vào.
Giả mẫu nghe nói, cùng mọi người cười ầm lên:
- Thế mới lạ chứ! Ta cần nghe điều nào là điều không phải?
Phượng Thư nói:
- Ai bảo bà khéo chải chuốt cho người? Chải chuốt đến nỗi nó đẹp mơn mởn lên, trách nào người ta chả thích? May cháu là dâu đấy, chứ là cháu trai, thì cháu đòi bà đã lâu rồi, không còn chờ đến bây giờ.
- Đó là điều không phải của ta à?
- Đúng là điều không phải của bà.
- Đã thế thì ta không cần nó nữa, cháu đem nó về.
- Để cháu tu hết kiếp này, đến kiếp sau được làm con trai, cháu mới cần đến nó.
- Cháu mang nó về cho thằng Liễn, để xem ông bố chồng mặt dày của cháu còn đòi nữa hay thôi!
- Cháu Liễn không xứng đáng, nó chỉ xứng đáng với cháu và Bình Nhi là hai chiếc "bánh cháy" đấy thôi.
Mọi người nghe nói cười ầm lên.
A hoàn vào trình:
- Bà Cả đã đến.
Vương phu nhân vội ra đón.
1 Nguyên văn truyện con cắt của vua Huy Tông đời Tống, con ngựa của Triệu Tử Ngang và truyện quan trạng lên đậu mùa đang mưng.
_________________